Hệ thống quân hàm hiện tại một số quốc gia Quân_hàm

Liên hiệp Anh

Xem thêm: Quân hàm Quân đội Hoàng gia Anh

Quân hàm sĩ quan Quân đội Anh có các cấp bậc sau:

Cấp bậc danh dự:

  • Thống chế Lục quân (Field Marshal); Thống chế Không quân (Marshal of the Royal Air Force); Đô đốc Hạm đội hay Thủy sư Đô đốc (Admiral of the Fleet) trong Hải quân

Cấp tướng:

  • Đại tướng (General trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Air Chief Marshal trong Không quân); Đô đốc (Admiral) trong Hải quân
  • Trung tướng (Lieutenant-General trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Air Marshal trong Không quân); Phó Đô đốc (Vice-Admiral) trong Hải quân
  • Thiếu tướng (Major-General trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Air Vice Marshal trong Không quân); Chuẩn Đô đốc hay Đề đốc (Rear-Admiral) trong Hải quân
  • Chuẩn tướng[6] (Brigadier trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Air Commodore trong Không quân); Phó Đề đốc (Commodore) trong Hải quân

Cấp tá và cấp úy:

  • Đại tá (Colonel trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Group Captain trong Không quân, Captain trong Hải quân)
  • Trung tá (Lieutenant-Colonel trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Wing Commander trong Không quân, Commander trong Hải quân)
  • Thiếu tá (Major trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Squadron Leader trong Không quân, Lieutenant-Commander trong Hải quân)
  • Đại úy (Captain trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Flight Lieutenant trong Không quân, Lieutenant trong Hải quân)
  • Trung úy (Lieutenant trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Flying Officer trong Không quân, Sub-Lieutenant trong Hải quân)
  • Thiếu úy (Second Lieutenant trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Pilot Officer trong Không quân). Cấp này trong Hải quân trước kia là Acting Sub-Lieutenant, nay không có nữa
  • Chuẩn úy (Officer Designate trong Lục quân và Thủy quân lục chiến, Midshipman trong Hải quân). Cấp này không có trong Không quân

Cộng hòa Pháp

Xem thêm: Quân hàm Quân đội Cộng hòa Pháp

Quân hàm sĩ quan Quân đội Pháp có các cấp bậc sau:

Cấp hàm danh dự:

  • Thống chế Pháp quốc (Maréchal de France)

Cấp tướng (officiers généraux):

  • Đại tướng (Général d’armée trong Lục quân và Général d’armée aérienne trong Không quân); Đô đốc (Amiral) trong Hải quân
  • Trung tướng (Général de corps d’armée trong Lục quân và Général de corps aérien trong Không quân); Phó Đô đốc Hạm đội (Vice-amiral d’escadre) trong Hải quân
  • Thiếu tướng (Général de division trong Lục quân và Général de division aérienne trong Không quân); Phó Đô đốc (Vice-amiral) trong Hải quân
  • Chuẩn tướng (Général de brigade trong Lục quân và Général de brigade aérienne trong Không quân); Chuẩn Đô đốc (Contre-amiral) trong Hải quân

Cấp tá (officiers supérieurs):

  • Đại tá (Colonel trong Lục quân và Không quân; Capitaine de vaisseau trong Hải quân)
  • Trung tá (Lieutenant-colonel trong Lục quân và Không quân; Capitaine de frégate trong Hải quân)
  • Thiếu tá (Commandant trong Lục quân và Không quân, cụ thể Chef de bataillon trong bộ binh, công binh, Chef d’escadron trong pháo binh, Chef d’escadrons trong kị binh; Capitaine de corvette trong Hải quân)

Cấp úy (officiers subalternes):

  • Đại úy (Capitaine trong Lục quân và Không quân; Lieutenant de vaisseau trong Hải quân)
  • Trung úy (Lieutenant trong Lục quân và Không quân; Enseigne de vaisseau de 1re classe trong Hải quân)
  • Thiếu úy (Sous-lieutenant trong Lục quân và Không quân; Enseigne de vaisseau de 2e classe trong Hải quân)
  • Chuẩn úy (Aspirant)

Các lực lượng đồng phục Hoa Kỳ

Xem thêm: Quân hàm quân đội Hoa Kỳ

Quân hàm sĩ quan Quân đội Mỹ có các cấp bậc sau:

Cấp bậc danh dự:

  • Thống tướng Lục quân (General of the Army); Thống tướng Không quân (General of the Air Force); Đô đốc Hạm đội hay Thủy sư Đô đốc (Fleet Admiral) trong Hải quân

Cấp tướng:

  • Đại tướng (General) trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân; Đô đốc (Admiral) trong Hải quân
  • Trung tướng (Major General) trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân; Phó Đô đốc (Vice Admiral) trong Hải quân
  • Thiếu tướng (Brigadier General) trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân; Đề đốc (Rear Admiral (Upper Half)) trong Hải quân
  • Chuẩn tướng trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân; Phó Đề đốc Rear Admiral (Lower Half)) trong Hải quân

Cấp tá và cấp úy:

  • Đại tá (Colonel trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Captain trong Hải quân)
  • Trung tá (Lieutenant Colonel trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Commander trong Hải quân)
  • Thiếu tá (Major trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Lieutenant Commander trong Hải quân)
  • Đại úy (Captain trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Lieutenant trong Hải quân)
  • Trung úy (First Lieutenant trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Lieutenant Junior Grade trong Hải quân)
  • Thiếu úy (Second Lieutenant trong Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, Ensign trong Hải quân)

Danh xưng Đại Thống tướng Liên quân Mỹ (General of the Armies of the United States) duy nhất được phong cho tướng John Joseph Pershing vào tháng 9 năm 1919. Ngoài ra, chỉ có George Washington từng được trao danh xưng này.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Xem thêm: Quân hàm Quân đội Nhân dân Triều Tiên

Hệ thống cấp bậc quân hàm của Quân đội Nhân dân Triều Tiên được thành lập ngày 8 tháng 2 năm 1948, tham chiếu hầu như hoàn toàn hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô, có bổ sung thêm, gồm 5 nhóm với 18 bậc quân hàm nhưng không đặt quân hàm cấp soái. Đến tháng 2 năm 1953, đặt thêm 2 cấp quân hàm là Phó nguyên soái và Nguyên soái. Cấp bậc Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Wonsu) phong cho Kim Nhật Thành với vị thế thống soái các lực lượng vũ trang giống như Đại Nguyên soái Stalin của Liên Xô. Cấp bậc Thứ soái (Chasu) phong cho Bộ trưởng Quốc phòng Choi Yong Kun, tương đương với cấp bậc Nguyên soái Liên Xô. Đặc thù hệ thống quân hàm của Quân đội Nhân dân Triều Tiên không có sự khác biệt về tên gọi giữa các nhánh Hải Lục Không quân.

Năm 1992, nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của Kim Nhật Thành, một cấp bậc mới được đặt ra có tên gọi là Đại Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Dae Wonsu) để tôn phong cho ông. Đồng thời con trai ông, Kim Chính Nhật, cũng được tôn phong là Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Wonsu). Bộ trưởng Quốc phòng bấy giờ là O Chin-u cũng được tôn lên cấp bậc Nguyên soái, nhưng với tên gọi Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Inmin'gun Wonsu).

Việt Nam

Xem thêm: Quân hàm Quân đội nhân dân Việt Nam

Hệ thống danh xưng các cấp bậc quân hàm Việt Nam được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra tương đối hoàn chỉnh từ năm 1946, nguyên thủy dựa theo hệ thống quân hàm của quân đội Nhật, được quy định thành 5 cấp 15 bậc, áp dụng cho Quân đội Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, hệ thống này ít được áp dụng trừ một vài trường hợp cá biệt.

Sau khi nắm được quyền kiểm soát miền Bắc Việt Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cải tổ quân đội, lúc này đã mang tên Quân đội Nhân dân Việt Nam, theo hướng chính quy chuyên nghiệp. Một hệ thống quân hàm mới được cải tiến được đặt ra vào năm 1958, phỏng theo hệ thống quân hàm của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt ra trước đó 3 năm. Hệ thống quân hàm cũng được áp dụng cho Lực lượng Công an Vũ trang vào năm 1959 và Lực lượng Cảnh sát Nhân dân vào năm 1962.

Tại miền Nam, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam không áp dụng hệ thống quân hàm chính thức như Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Bắc mà sử dụng hệ thống cấp bậc riêng theo chức vụ nắm giữ. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chỉ huy trong tổ chức quân đội và các sĩ quan Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam hầu hết đều được phong cấp bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều này chỉ chấm dứt vào năm 1975, khi Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam sáp nhập hoàn toàn với Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo xu hướng chính trị, hệ thống quân hàm của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã có vài thay đổi nhỏ theo thời gian. Năm 1982, lần đầu tiên cấp bậc tướng hải quân có tên gọi chính thức là cấp bậc Đô đốc. Cấp bậc Thượng tá bị bãi bỏ[7]. Một hệ thống quân hàm cho các quân nhân chuyên nghiệp cũng được đặt ra.

Năm 1989, hệ thống quân hàm được áp dụng cho cả Lực lượng An ninh Nhân dân.

Năm 1992, danh xưng Thượng tá, Đại tá được khôi phục lại.

Từ năm 1992 trở đi, hệ thống quân hàm Việt Nam được áp dụng ổn định cho đến ngày nay, chỉ có những sửa đổi về mặt hình thức.

Các cấp bậc hiện tại của Việt Nam gồm 5 cấp 18 bậc được xếp từ cao xuống thấp: Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng, Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá, Đại úy, Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy, Học viên, Thượng sĩ, Trung sĩ, Hạ sĩ, Binh nhất, Binh nhì. Quân hàm Chuẩn úy đã bãi bỏ năm 2010.

Với lực lượng Công an Nhân dân, hệ thống quân hàm sử dụng tương tự như Quân đội Nhân dân chỉ khác về màu sắc (Công an màu đỏ viền xanh lá cây, cấp tướng viền vàng), không dùng vạch kim loại mà dùng vạch tơ màu vàng chạy dọc cấp hiệu.

Một số tổ chức dân sự khác tại Việt Nam cũng dùng hệ thống cấp bậc mô phỏng hệ thống quân hàm nhưng với danh xưng khác như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Thanh tra, Tư pháp,...

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Xem thêm: Quân hàm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc

Từ tháng 6 năm 1946, Hồng quân Công nông Trung Quốc chính thức mang tên Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt gần 10 năm sau đó, hệ thống quân hàm không được áp dụng với lý do cho rằng hệ thống quân hàm là một di sản của sự phân cấp bất bình đẳng trong quân đội và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc là một quân đội nhân dân và bình đẳng giữa các quân nhân.

Tuy nhiên, sau khi giành được toàn quyền kiểm soát Trung Hoa đại lục vào năm 1949 và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cơ cấu chuyển đổi thành quân đội chính quy chuyên nghiệp, một hệ thống quân hàm cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được đặt ra vào năm 1955, gồm có 6 cấp 20 bậc, với tên gọi chung cho cả ba quân chủng Lục quân, Hải quânKhông quân. Hệ thống này về cơ bản được phát triển tương tự như hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô, nhưng mang tính hệ thống và đồng nhất cao hơn.

Năm 1965, khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra, hệ thống quân hàm lại bị hủy bỏ vẫn với lý do cũ: hệ thống quân hàm là một di sản của sự phân cấp bất bình đẳng trong quân đội[8]. Điều này đã làm suy giảm đáng kể khả năng chỉ huy và giảm sút sức chiến đấu của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, thể hiện rõ nét qua cuộc Xung đột biên giới Việt Nam-Trung Quốc 1979, khi mà trình độ chiến đấu kém cộng với tai hại do bãi bỏ chế độ quân hàm làm giảm khả năng chỉ huy và điều động.

Những thất bại về mặt chiến thuật đã buộc Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội[9]. Hệ thống quân hàm cũng được khôi phục lại vào năm 1988 với 4 cấp 13 bậc. Quân hàm Thượng tướng cấp 1 tức Nhất cấp Thượng tướng (一級上將 Yi Ji Shang Jiang của Quân đội Trung Quốc với 4 sao) được sử dụng thay cho quân hàm Đại tướng và trở thành cấp bậc cao nhất về danh nghĩa[10]. Đến năm 1994, cấp bậc này cũng bị bãi bỏ và cấp bậc Thượng tướng trở này cấp bậc cao nhất. Cấp bậc Hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp được tăng lên. Sau một vài lần sửa đổi, hiện nay hệ thống quân hàm trong Quân đội Trung Quốc gồm 5 cấp 18 bậc, tên gọi cũng dùng chung cho cả ba quân chủng Hải Lục Không quân và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang.